Increase your revenue up to 300%
Loading

Các phương pháp đọc sách hiệu quả

Tôi tài giỏi, bạn cũng thế (Chương 6) - Phương pháp đọc để nắm bắt thông tin


Bây giờ thì các bạn đã có khái niệm về sức mạnh não bộ, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu phương pháp Học Siêu Đẳng đầu tiên – phương pháp đọc đế nắm bắt thông tin. Trước khi bạn có thể ghi chú, học thuộc lòng hoặc ôn bài lại, việc đầu tiên bao giờ bạn cũng phải làm là đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học đế nắm bắt được những thông tin cần thiết, quan trọng. Như thế, bạn mới luôn chắc chắn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Việc học “tủ” hay học “vẹt” là hoàn toàn không nên. Đáng tiếc là đa số học sinh không đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học nhằm mục đích để nắm bắt thông tin. Họ nghĩ rằng việc đọc sách chỉ giúp họ hiểu thêm bài bài giảng hoặc để biết thêm kiến thức mới. Sau đó, họ thường chỉ cố đọc lại các tài liệu môn học trong thời gian ôn thi để cố gắng nhớ mọi thứ (học “vẹt”) hoặc chọn học chỉ 1 số phần mà học cho là quan trọng ( học “tủ”). Nếu bạn học theo kiểu này, khi kỳ thi đến gần, bạn sẽ thấy mình chìm ngập trong đống bài vở do học “vẹt”, hoặc bước vào kì thi với tâm lí cực kì căng thẳng do học “tủ”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN

Nhìn chung, trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, chỉ có khoảng 20% trong tổng số từ chứa đựng những thông tin bạn cần để thu hoạch toàn bộ kiến thức của môn học, đảm bảo giành điểm cao trong các kì thi. Những từ này gọi là từ khóa. Từ khóa bao gồm các danh từ, động từ, phó từ và tính từ. Một sự thật đáng kinh ngạc là 80% số từ còn lại không hề bao hàm thông tin hữu ích nào. Những từ chủ yếu nào thường là những từ nổi. Ví dụ: “là”, “của”, “những”, “có”, “với”, và rất nhiều phụ từ khác, vậy nếu những từ này không mang lại ý nghĩa quan trọng gì, chúng giữ vai trò gì trong quyển sách? Mục đích của chúng là liên kết những từ khóa lại với nhau nhằm tạo thành câu văn hoàn chỉnh. Chúng chỉ mang lại lợi ích là giúp bạn hiểu được những gì được viết trong lần đọc đầu tiên, còn trong những lúc bạn cần học thuộc hoặc ôn lại thông tin, những từ này chỉ làm mất thời gian và phí phạm trí nhớ của bạn.

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỆU QUẢ LÀ TẬP HỢP NHỮNG TỪ KHÓA

Để hiệu quả, bạn phải hiểu rằng bạn chỉ cần đọc qua toàn bộ sách giáo khoa hoặc tài liệu môn học 1 lần duy nhất. Trong khi đọc, bạn phải tách ra được cái “cốt lõi” hoặc “thông tin” dưới dạng ý chính và từ khóa. Sau đó, bạn chỉ ghi chú những ý chính và từ khóa ( dưới dạng Sơ Đồ Tư Duy) để dành cho việc ôn lại sau này. Bạn có thể bỏ qua 80% những từ thứ yếu còn lại. Trong lần ôn bài sắp tới, bạn chỉ việc ôn lại 20% từ khóa trong Sơ Đồ Tư Duy là có thể nắm được 100% thông tin của môn học. Bạn đã giảm bớt được 80% thời gian học mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất.

Việc tập hợp các từ khóa trong sách giáo khoa giống như việc thu nhặt những hạt gạo từ cánh đồng lúa mênh mông. Có thể mất nhiều thời gian lúc đầu để thu lượm chúng và sàng lọc ra những hạt gạo trắng ngần. Tuy nhiên, sau khi việc này hoàn tất, chúng ta chỉ cần ăn số gạo đó, vì chúng chính là tinh chất từ cánh đồng mang lại nguồn năng lượng cần thiết. Nếu bạn thấy việc ăn nguyên 1 bó lúa thay vì 1 chén cơm thật là nực cười, thì việc bạn cố gắng nhớ từng từ trong sách thay vì các từ khóa cũng thế thôi.

MINH HỌA VỀ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA TỪ KHÓA

Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy sức mạnh của từ khóa. Bạn hãy đọc đoạn văn gồm 103 từ dưới đây. Sau khi đọc xong đoạn văn trên, bộ não của bạn sẽ nắm được một số thông tin từ nội dung đoạn văn. Tuy nhiên, không phải tất cả các từ trong đoạn văn đếu góp phần mang lại lượng thông tin đó. Thông tin chỉ nằm trong các từ khóa được gạch dưới sau đây. Nếu bạn phải đọc từ khóa thôi, bạn có thể hiểu được toàn bộ thông tin không? Hãy đọc đoạn văn kế tiếp để tìm lời giải đáp. Tôi chắc chắn rằng chỉ cần đọc lại những từ khóa trên, bạn vẫn nắm được toàn bộ thông tin. Không một thông tin nào bị bỏ sót. Tuy nhiên, việc đọc các từ thứ yếu chiếm phần lớn trong đoạn văn không mang lại thông tin bổ ích nào.

Bao nhiêu thông tin bạn có được khi đọc những từ thứ yếu đó? Câu trả lới là hầu như không có gì cả. Vậy mà những từ thứ yếu này lại chiếm phần lớn từ ngữ trong đoạn văn ban đầu. Điều này cho thấy mỗi khi bạn học thuộc bài 1 cách mù quáng, bạn thật sự đang phung phí 1 phần lớn thời gian hết sức vô ích. Chưa kể đến việc cố gắng ghi nhớ quá nhiều từ thứ yếu sẽ làm bạn bị xao nhãng khỏi những thông tin quan trọng. Đó là lí do tại sao một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng vẫn không có kết quả như ý. Trong phần tiếp theo của chương này, bạn sẽ được học cách đọc hiệu quả để tập hợp những từ khóa cần thiết vào Sơ Đồ Tư Duy.

TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI HỌC CÁCH ĐỌC HIỆU QUẢ?

Để nắm bắt thông tin 1 cách hiệu quả khi đọc sách, chúng ta phải học cách đọc hiệu quả. Phương pháp đọc hiệu quả là kỹ năng đọc sách giúp bạn tăng tốc độ đọc, khả năng tập trung và năng lực lĩnh hội khi đọc. Hầu hết mọi người đều gặp 1 vấn đề chung là khả năng tập trung và sức tiếp thu thông tin kém lúc đọc sách. Bên cạnh đó, một vấn đề khác là chúng ta thường đọc ở tốc độ chậm hơn nhiều so với khả năng đọc thật sự của chúng ta. Thông qua phương pháp đọc hiệu quả này , bạn sẽ có thể đọc nhanh gấp 3 lần tốc độ đọc hiện tại của bạn. Điều này mang lại nhiều lợi thế cho bạn so với bạn bè xung quanh. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thư giãn, hoặc chuyển sang việc ghi chép, làm bài tập, ôn bài.

ĐỌC NHANH HƠN GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG VÀ TIẾP THU THÔNG TIN

Nhiều người tránh việc đọc nhanh vì họ nghĩ rằng việc đọc nhanh làm giảm khả năng tập trung cũng như khả năng tiếp thu thông tin của họ. Thực tế hoàn toàn ngược lại, lí do bạn mất tập trung là vì bạn đọc qua chậm. Xin nhớ rằng việc thiếu tập trung là kết quả của việc tâm trí bạn lang thang nghĩ về những chuyện khác. Lý do tại sao bộ não của bạn (đặc biệt là bán cầu não phải đầy sự sáng tạo) làm việc này là vì nó không được tận dụng triệt để, thế là nó trở nên “buồn chán”. Nghiên cứu cho thấy đôi mắt và não bộ của chúng ta có khả năng tiếp thu hơn 20.000 từ 1 phút nhưng hầu hết mọi người chỉ đọc ở tốc độc 200 từ 1 phút, ít hơn 1% tiềm năng thật sự trong chúng ta. Nếu bạn có 1 công ty thuê 100 công nhân nhưng vào bất cứ lúc nào cũng chỉ có đủ việc cho 1 công nhân, chuyện gì sẽ xảy ra? 99 công nhân còn lại sẽ cảm thấy nhàm chán, bắt đầu nói chuyện với nhau, thậm chí còn làm nhiều việc vô bổ khiến người công nhân đang làm việc cũng bị mất tập trung. Đây là những gì diễn ra trong não bộ của bạn khi nó đọc qua chậm. Trải qua nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về các khóa đào tạo, tôi đã chứng minh được rằng, khi tôi cắt giảm thời gian cho phép các học sinh của tôi đọc 1 đoạn 1 văn, khả năng tiếp thu kiến thức của họ lại tăng lên rõ rệt. Kết quả này được chứng thực qua các bài kiểm tra sau đó. Tuy nhiên, điều này chỉ chắc chắn xảy ra khi họ áp dụng phương pháp đọc hiệu quả mà học được học. Thêm 1 ví dụ về vấn đề này. Gải sử bạn đang lái xe trên xa lộ với tốc độ 20 Km/giờ. Bạn có tập trung cao độ không? Tôi không nghĩ vậy. Tâm trí của bạn có thể tha thẩn dạo quanh và cảm thấy cực kì nhàm chán. Còn chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đang lái xe với tốc độ 50-60 km/giờ. Tôi chắc chắn rằng bạn buộc lòng phải ở trong trạng thái tập trung cao độ nhất. Vậy đó, việc đọc sách cũng tương tự như thế.

TIỀM NĂNG CỦA ĐÔI MẮT

Điều gì quyết định tốc độ đọc sách của bạn? Và làm cách nào chúng ta có thể tăng tốc đọc? Câu trả lời nằm ở cách mắt chúng ta di chuyển liên tục từ bên này sang bên kia như máy quét thông tin khi nó phải đọc 1 trang sách. Chuyện gì thật sự xảy ra nếu bạn không di chuyển trôi chảy chút nào? Trên thực tế, khi bạn đọc một trang sách, mắt bạn sẽ di chuyển giống như máy đánh chữ vậy, liên tục dừng lại rồi di chuyển tiếp, cứ thế lặp đi lặp lại liên tục. Khi đọc, mắt chúng ta phải dừng lại thì mới thu thập được thông tin. Thời gian mắt dừng lại mỗi lần khoảng ¼ giây đến 1 giây. Mắt dừng lại càng nhiều lần thì thời gian dừng càng lâu và làm chúng ta đọc càng chậm. Bí quyết của phương pháp đọc hiệu quả là làm giảm số lần và thời gian dừng của mắt khi chúng ta đọc sách.

Với những người đọc từng chữ một, mắt của họ phải dừng lại ở mỗi chữ 1 lần. Giả sử mỗi lần mắt họ dừng khoảng ½ giây, điều này có nghĩa trong vòng 1 phút, họ chỉ có thể đọc 120 từ. Tốc độ 120 từ/phút là tốc độ dưới trung bình. Để đọc nhanh hơn, bạn không thể đọc từng từ một được. Bạn phải đọc ít nhất 1 cụm từ mỗi lần mắt dừng lại. Nếu bạn đọc 2 đến 3 từ 1 lần thì tốc độ đọc của bạn sẽ là 240 – 360 từ/phút. Đây chỉ mới là tốc độ đọc trung bình.

Chỉ cần chịu khó tập luyện vài lần, bạn sẽ có thể đọc 1 nhóm 5-7 từ một lúc, mang lại cho bạn tốc độ đọc 600-840 từ/phút. Việc này hoàn toàn không khó khăn như bạn nghĩ. Các học sinh tham dự khóa học Thiếu Niên Siêu Đẳng đều có thể thực hiện việc này sau vài giờ thực hành, kể cả những học sinh từng học rất kém.

KIỂM TRA TỐC ĐỘ ĐỌC CỦA BẠN

Để đo nhanh tốc độ đọc hiện thời của bạn, canh đồng hồ trong vòng 1 phút xem bạn đọc được bao nhiêu từ. Nếu việc đọc 600-850 từ một phút không quá phức tạp, và nếu chúng ta có thể đọc được 1 cụm từ, tại sao vẫn có quá nhiều người gặp khó khăn trong việc đọc? Tại sao vẫn có qua nhiều người đọc chậm? Lý do là vì....

NHỮNG THÓI QUEN LÀM GIẢM TỐC ĐỘ ĐỌC CỦA BẠN

Để tìm hiểu thêm về thói quen đọc sách của bạn, hãy đọc lại trang vừa qua. Lần này,bạn hãy chú ý đến mắt của bạn, môi của bạn và những gì trong tâm trí bạn lúc bạn đang đọc. Bây giờ, hãy kiểm tra lại xem bạn có bất kì thói quen chậm nào sau đây không. Đọc bằng môi Khi đọc, bạn có đế ý thấy môi của bạn mấp máy không? Nếu chúng mấp máy đọc, nghĩa là bạn có thói quen đọc bằng môi. Đây là 1 thói quen có từ tiểu học khi phải đọc lớn tiếng trong lớp. Đọc bằng môi làm bạn đọc rất chậm vì bạn bị giới hạn vào tốc độ đọc của môi bạn. Bằng cách chủ động không mấp máy môi khi đọc, bạn có thể dần bỏ được thói quen này. Giọng đọc thầm Một số người không mấp máy môi khi đọc nhưng thay vào đó, họ lại có giọng nói thầm đọc từng chữ trong đầu họ. Thói quen này cũng rất tệ, vì tốc độ đọc của bạn bị giới hạn vào tốc độ của giọng nói trong đầu bạn. Vì đây là 1 thói quen phổ biến nhất, ăn sâu trong nhiều người chúng ta, bạn khó có thể từ bỏ được giọng đọc thầm này. Thay vào đó, bạn phải bắt đầu thực tập việc chỉ đọc thầm những từ khóa chứ không đọc thầm từng chữ một. Ngoài ra bạn cũng có thể xua đuổi giọng đó ra khỏi đầu bằng việc nghe nhạc không lời có nhịp độ nhanh khi đọc sách.

Việc đọc lùi

Một vấn đề phổ biến nữa của người đọc là có khuynh hướng cứ đọc đi đọc lại một số từ. Thói quen này làm mất nhiều thời gian và thường khiến người đọc chậm hơn 100 từ một phút. Hơn 90% thói quen này là do họ sợ tiếp thu thông tin chậm, sợ bỏ sót thông tin và thiếu tự tin khi đọc sách. Thói quen này cũng có thể được khắc phục bằng việc tập cách đọc nhanh và tin tưởng vào khả năng đọc sách của bạn. Một lí do nữa của thói quen này là người đọc có thể không biết nhiều từ vựng hoặc kém về ngôn ngữ. Vấn đề này phải được giải quyết 1 cách riêng.

Đọc từng chữ một

Như đã đề cập, việc đọc từng chữ 1 chỉ cho phép bạn đọc ở tốc độ 120 từ/phút. Nhiều người nghĩ rằng đây là phương pháp đọc sách hợp lí vì tất cả chúng ta đều bắt đầu tập đọc bằng việc đọc lớn thành tiếng từng từ một. Nhưng thật ra, đó chỉ là phương pháp đọc sách … vỡ lòng. Phương pháp đọc sách hiệu quả là phải giúp bạn đọc nhanh mà vẫn nắm bắt toàn bộ thông tin chứ không chỉ đơn thuần là đọc từng chữ. Việc đọc từng cụm thay vì từng chữ và chú trọng vào những từ khóa chính là cách đọc hoàn hảo nhất.

Tầm mắt hẹp

Tầm mắt hẹp là số từ mà mắt bạn có thể nhìn thấy trong mỗi lần nhìn hoặc dừng lại. Đa số mọi người có tầm mắt rộng khoảng 3-4 từ một cách tự nhiên không cần rèn luyện. Nếu bạn có thói quen đọc sách thường xuyên, bạn nên có tầm mắt rộng khoảng 6-7 từ. Tầm mắt của bạn càng rộng, bạn càng có thể đọc nhiều từ trước mỗi lần mắt dừng lại. Để đạt tới tốc độ đọc 600-850 từ/phút, bạn phải tập luyện đế có tầm mắt rộng khoảng 6-7 từ. Chúng ta sẽ cùng thào luận về cách tập luyện này ở phần tới.

Bạn có thể kiểm tra tầm mắt hiện tại của bạn bằng việc lấy 1 mảnh giấy đặt lên 1 câu văn hoàn chỉnh để che lại phần nội dung câu văn. Tập trung nhìn vào câu văn đang bị che lại. Sau
đó bạn rút tờ giấy ra thật nhanh trong vòng 1 giây rồi lại để vào che lại câu văn đó. Bạn kịp thấy được bao nhiêu từ trong câu văn đó? Số từ bạn nhìn thấy chính là ước đoán tầm mắt của bạn.

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỆU QUẢ GIÚP TĂNG TỐC ĐỌC VÀ KHẢ NĂNG TIẾP THU THÔNG TIN

Bây giờ thì bạn đã hiểu các yếu tố quyết định tốc độ đọc và sự tập trung của bạn. Bạn cũng đã tìm hiểu thêm về các thói quen xấu khi đọc sách. Sau đây là vài kỹ năng đọc sách hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ngay từ bây giờ. Sử dụng 1 cây bút chì làm vật dẫn đường Khi không có vật gì đi trước dẫn đường, mắt bạn có khuynh hướng nhảy nhót khắp trang giấy làm chậm việc đọc sách của bạn.. Do đó, bất cứ khi nào bạn đọc sách, hãy dùng 1 cây bút chì làm vật dẫn mắt bạn qua từng câu văn. Việc này giúp bạn tập trung hơn vào việc đọc. Một lí do khác của việc dùng bút chì là để điều khiển tốc độ đọc của mắt bạn. Điều này tương tự như việc bạn cần 1 người khác chỉ đọc tốc độ trong môn đua thuyền truyền thống vậy. Dịch chuyển bút chì nhanh hơn tốc độ đọc bình thường của bạn một chút giúp rèn luyện mắt bạn đuổi theo bút chì và quen dần với tốc độ đọc nhanh hơn.

Tìm hiểu những ý chính và đánh dấu các từ khóa.

Khi đọc sách, bạn cần lướt qua những từ không chính yếu và đánh dấu những từ khóa quan trọng. Cùng lúc đó, tìm kiếm các ý chính trong mỗi đoạn văn. Thông thường mỗi đoạn văn đều có 1 ý chính duy nhất được hỗ trợ bởi nhiều ý phụ. Hiểu được điều này sẽ giúp ích cho tiến trình nắm bắt thông tin của bạn

Mở rộng tầm mắt đề đọc được cụm từ 5-7 từ 1 lúc

Thực hành các bài tập từ A đến E ở cuối chương sẽ dần dần giúp bạn mở rộng tầm mắt khi đọc sách. Đồng thời, cố gắng chủ động đọc 1 nhóm 5-7 từ 1 lúc khi bạn làm bài tập thực hành.

Tập nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc

Khi đọc sách, bạn có thể nghe nhạc không lời có nhịp độ nhanh để rèn luyện cho mắt bạn đọc nhanh hơn. Bạn cũng nên nghe nhạc bằng tai nghe (headphone) nếu bạn đọc sách ở nhừng nơi cần giữ yên tĩnh cho người xung quanh như thư việc chẳng hạn. Chúng ta có khuynh hướng đọc sách nhanh để bắt kịp tốc độ nhạc đang nghe. Sau vài lần tập luyện, bạn sẽ phát hiện rằng bạn đọc nhanh hơn mà không cần bật nhạc. Sự yên lặng không làm tăng sự tập trung của bạn mà chỉ khiến não bạn đi thơ thẩn ở những nơi khác. Một lí do khác của việc đọc sách trong tiếng nhạc nhanh dồn dập là nhằm mục đích lấp đi các tiếng động làm xao nhãng khác (như tiếng người nói chuyện, tiếng tivi vọng vào từ phóng khách...) và dập tắt giọng đọc thầm bên trong đang kìm hãm tốc độ đọc của bạn.

Đọc phần tóm tắt cuối chương trước

Một kĩ năng đọc sách khác mà đa số học sinh đếu không nhận ra, đó là bao giờ cũng nên đọc phần tóm tắt cuối chương trước khi quay lại đọc từ đầu chương. Tại sao? Bởi vì cuối chương lúc nào cũng có vài đoạn văn tóm lại ý chính, hoặc trong nhiều trường hợp có cả các câu hỏi kiểm tra về chương đó. Khi bạn đọc phần cuối chương trước, bạn sẽ có 1 khái niệm chung về nội dung chính của chương. Đồng thời, não của bạn cũng biết được những thông tin cần thiết nào mà bạn cần tìm hiểu trong chương sách. Và bạn sẽ đọc sách một cách hết sức hiệu quả để nắm bắt những thông tin ấy. Hơn nữa, bạn nên luôn luôn đọc lướt qua những đề mục chính và phụ trong chương sách trước khi bắt đầu đọc từng chữ chi tiết. Việc đọc lướt qua này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm trí và đọc hiệu quả hơn.

Liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn

Bạn đã từng thấy các vận động viên chạy đua như thế nào chưa? Họ buộc các vật nặng vào chân trong lúc chạy. Đây là cách rèn luyện cơ bắp thêm mạnh mẽ, nhưng nó tạo ra cảm giác cực kì năng nề khó chịu khi luyện tập. Tuy nhiên, khi họ tháo bỏ những vật nặng đó ra, họ bỗng cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng và có thể chạy rất nhanh Bạn có thể dùng 1 kỹ thuật tương tự để rèn luyện việc đọc hiệu quả. Khi bạn tập đọc hiệu quả, di chuyển bút chì nhanh đế thúc đẩy mắt bạn phải đọc ở một tốc độ mà bạn cảm thấy khó chịu. Ví dụ, nếu bạn chỉ đang đọc được 100 từ/phút, bạn phải ép mình đọc được 300-400 từ /phút. Nếu bạn cảm thấy không nắm kịp thông tin hoặc không thoải mái, không sao cả. Mục đích của việc này là làm bạn quá tải và làm căng hệ thống thần kinh của bạn. Sau nhiều lần thử thách như thế, năng lực bộ não của bạn sẽ được nâng cao rõ rệt. Xin nhắc lại rằng bạn phải thực tập việc này thật nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất. Bây giờ, bạn đã được học phương pháp đọc hiệu quả đế nắm bắt thông tin. Bước tiếp theo, bạn sẽ được học phương pháp tận dụng sức mạnh toàn não bộ để thành thạo trong việc vẽ Sơ Đồ Tư Duy sau khi thu thập được các ý chính và từ khóa quan trọng trong sách.

Cách đọc sách hiệu quả
Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy để làm giàu sự hiểu biết của mình. Và mặc dù đọc sách là một nghệ thuật, không có một quy chuẩn nào về việc đọc sách - có lúc cần đọc kỹ, nhưng nhiều khi chỉ cần đọc qua lấy ý chính. Nhưng áp dụng một số gợi ý hữu ích sau đây có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc sách của mình hiệu quả hơn.

Chúng ta không thể đọc hết tất cả những điều cần biết, nhưng có đủ thời gian để đọc những điều cần thiết.


Sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc của mình hiệu quả hơn:


1. Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự đọc kỹ:


- Xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm.
- Xem qua những hình vẽ hay minh họa, đồ thị hay biểu đồ.
- Xem qua toàn bộ bài đọc bằng cách đọc đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh qua những câu đầu của từng đoạn trong bài (trường hợp sách giáo khoa về kinh tế thường có phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng).

Gấp sách lại và tự hỏi: ý chính của bài là gì, văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì?


Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung bài đọc, từ đó dễ tập trung hơn và bài đọc sẽ trở nên dễ nhớ hơn.
Cụ thể:

- Đọc báo chí, thì học cách chú ý đến những tít lớn, sau đó đến những phần in đậm, sau đó mới lướt vào nội dung bên trong mỗi bài nếu ta quyết định đọc nốt.


- Sách học, sách nghiên cứu, nên đọc theo 4 bước như sau:


Bước 1 : Đọc nhanh mục lục, đọc lướt tên các chương để biết cấu tạo cuốn sách. Người ta khuyên nên giới hạn công việc này trong vòng 5 phút. Nếu quyết định đọc tiếp, thì sang bước 2.


Bước 2: Đọc các câu mở đầu và những câu kết luận mỗi chương. Bên trong mỗi chương thì đọc nhanh những câu đầu và câu kết của các đoạn. Thời gian cho mỗi chương là 3 - 4 phút. Đánh dấu bằng bút màu những chỗ cần chú ý. Nếu thấy cần tiếp tục thì sang bước 3. (Điều quan trọng là luôn ghi dấu các điểm quan trọng khi đọc)


Bước 3: Tiếp tục đọc cả cuốn sách hoặc chọn những chương có giá trị cho công việc tìm kiếm thông tin của mình để đọc kỹ hơn.


Bước 4: Suy ngẫm về nội dung của những điều đã đánh dấu và tìm tài liệu liên quan. Tập trung đọc hiệu quả có nghĩa là đối với các vấn đề khó hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Chỗ nào chưa hiểu, chưa rõ, phải đánh dấu để tiếp tục tìm hiểu thêm bằng đọc thêm sách, nghe giảng thêm, trao đổi, mạn đàm với người khác…


2. Không đọc thành tiếng vì kiểu đọc này sẽ khiến bạn đọc chậm. Cố gắng xem việc đọc sách như thể đang ngắm một cảnh đẹp, hình dung một ý tưởng bao quát trong tâm trí. Nếu lần đầu gặp một khái niệm mới, bạn đừng vội bỏ qua mà nên tìm hiểu kỹ thêm về khái niệm đó.


3. Đọc theo ý. Các nghiên cứu cho thấy khi đọc, mắt chúng ta luôn dừng sau những câu chữ trong một dòng. Số lần dừng của người đọc chậm nhiều hơn so với người đọc nhanh. Dừng nhiều lần không chỉ làm cho ta đọc chậm mà còn cản trở khả năng nắm bắt vấn đề (Bởi vì ý nghĩa thường đi theo cả câu hay cụm từ chứ không phải từng chữ một).


4. Thay đổi tốc độ đọc: Thích ứng với độ khó và cách viết trong bài đọc. Người đọc kém luôn có tốc độ đọc chậm, thường đọc lại câu đã đọc. Người đọc hiệu quả thường đọc nhanh phần dễ và chậm lại ở phần khó. Trong một bài đọc có đôi chỗ chúng ta phải đọc cẩn thận hơn những chỗ khác. Với những tài liệu pháp lý hay các bài viết khó thì cần phải đọc chậm. Những tài liệu dễ hơn như kinh tế hay báo chí thì ta có thể đọc nhanh, tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.

“Đọc có thể là một công việc rất tốn thời gian nhưng bằng cách thay đổi cách đọc, bạn có thể cải thiện đáng kể kỹ năng đọc của mình hiệu quả hơn”.


Tóm lại, cách đọc sách hiệu quả là phải gắn liền với việc ghi chép. Việc ghi chép sẽ làm cho quá trình mã hóa tri thức để chuyển vào bộ nhớ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Khi đọc, nên đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt. Nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách, hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu. Tuy nhiên, đọc nhanh không phải là đọc vội, đọc vàng, mà đọc nhanh là chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ; nắm nhanh và đủ nội dung chứ không phải đưa mắt nhanh trên những câu chữ. Ngoài ra, bạn cũng nên trau dồi cho được thói quen đọc mỗi ngày và không chỉ đọc duy nhất một loại sách mình ưa thích.

Cách đọc sách nhanh
Bước 1: Xác định mục đích đọc sách.

Đây là vấn đề rất quan trọng. X.I. Povarlin đã nói: "Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định". Mục đích đọc sách sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách. Xác định được mục đích đọc sách sẽ giúp các bạn tránh được đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp các bạn có cách đọc hợp lí, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách.

Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: "Đọc để làm gì?". Từ đó mới trả lời được câu hỏi: "Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?".

Mục đích đọc sách còn quyết định cả phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ, khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có bạn yêu thơ thì tìm những cách diễn đạt các sự vật, hiện tượng bằng thơ và những câu thơ lục bát hay; có bạn tìm hiểu cuộc đời nàng Kiều và cốt truyện; có bạn lại qua đó mà hiểu biết đời sống văn hoá, phong tục, tập quán, lễ nghi phong kiến; có bạn lại đi tìm sự phê phán những định kiến và luật lệ đã áp bức người phụ nữ... Vì vậy, xác định rõ mục đích đọc sách là việc làm quan trọng trước tiên đối với mỗi người chúng ta.

Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách.

Bạn đọc hai trang đầu và trang cuối của cuốn sách để biết:

  • Tên cuốn sách.
  • Tên tác giả.
  • Tên nhà xuất bản.
  • Năm xuất bản.
  • Lần xuất bản.
Bạn không nên xem thường thao tác này. Những thông tin trên đây sẽ giúp bạn rất nhiều.

Bạn vừa đọc xong một quyển sách hay, bạn gặp một người bạn thân và trò chuyện huyên thuyên với người bạn này về quyển sách đó. Nhưng khi người bạn hỏi tên quyển sách và tên tác giả để bạn đó tìm đọc, thì bạn lại không nhớ, không trả lời được. Bạn có rơi vào tình trạng này bao giờ chưa? Nếu có thì chắc chắn là bạn đã bỏ qua thao tác tưởng chừng vô ích ở trên rồi đó.

Không chỉ vậy, những thông tin này còn rất tiện lợi khi bạn đi mua sách và tìm sách trong thư viện. Bạn sẽ cung cấp những thông tin về quyển sách bạn cần tìm cho nhân viên nhà sách hoặc người thủ thư, và họ sẽ giúp bạn tìm quyển sách đó một cách dễ dàng. Đứng trước những kệ sách với không biết cơ man nào là sách, mà không có được những thông tin trên, thì làm sao bạn có thể nào tìm được quyển sách bạn cần. Phải không bạn?

Bước 3: Xem mục lục.

Mục lục cuốn sách phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp bạn giải đáp được câu hỏi: "Cuốn sách có những nội dung gì, theo trật tự nào?".

Bước 4: Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu.

Bạn đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả.

Lời nói đầu do tác giả cuốn sách viết. Qua lời nói đầu, bạn dễ dàng hiểu được ý đồ của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng; mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày. Đôi khi, qua lời mở đầu, bạn còn thu lượm được cả lời khuyên của tác giả nên tìm hiểu và nghiên cứu cuốn sách như thế nào.

Bước 5: Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách.

Mục đích của việc xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách là để thấy rõ nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời, qua lời kết luận và tóm tắt, bạn còn thấy vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, phương hướng phát triển tiếp tục của chúng.

Theo nguyên tắc, tác giả phải viết lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. Nhưng hiện nay không hiểu sao một số tác giả lại bỏ qua công việc này.

Bước 6: Đọc một vài đoạn.

Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, bạn sẽ trực tiếp tìm hiểu vào nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau.

Bước 7: Đọc thực sự (hay đọc đi sâu).

Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ kĩ năng đọc của bạn. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc. Sau đây là một số cách đọc, bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân.

Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Với những bạn có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính... Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn nào đó, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị, cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định.

Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.

Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào. Với các cuốn sách ta chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị... cũng có thể đọc theo cách này.

Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong dó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.

Đọc thụ động: Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.

Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.

Đọc nông: Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp, đỡ tốn công sức.

Đọc sâu: Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học.

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kĩ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc.

Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, bạn không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra. Vì vậy, người ta còn chia việc đọc ra thành đọc lần đầu và đọc đi sâu.

Đọc lần đầu chỉ giúp bạn có những cơ sở định hướng cho các lần đọc đi sâu đạt kết quả. Chính từ kết quả đọc lần đầu, bạn có thể thấy được nội dung quan trọng và cần thiết với mình, lần đọc sau bạn chỉ cần chú tâm vào đó. Mỗi lần như vậy lại khám phá sâu thêm nội dung cuốn sách, xác định điều cần tìm hiểu cho lần đọc đi sâu sau, thu hẹp dần phạm vi đọc. Cứ như vậy cho tới khi bạn thấu hiểu cuốn sách, hoàn thành mục đích đọc thì việc đọc đó mới dừng lại. V.I. Lenin đã khuyên chúng ta: "Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư...".

Cách đọc sách tốt nhất
Nguyên tắc đọc quan trọng nhất là nguyên tắc mà tôi cứ nói đi nói lại với nhóm nghiên cứu về những tác phẩm lớn của tôi: Trong khi đọc một cuốn sách khó lần đầu tiên, cứ đọc nó một mạch không dừng lại. Hãy chú ý đến những gì anh có thể hiểu, và đừng dừng lại vì những gì anh chưa nắm bắt được ngay lập tức. Cứ làm như vậy. Đọc một mạch cuốn sách không nản lòng vì những đoạn, những chú thích, những luận điểm, những tham khảo mà anh không nắm bắt được. Nếu anh dừng lại ở bất kỳ những chướng ngại này, nếu anh cứ trì hoãn, anh sẽ thất bại.

Trong hầu hết các trường hợp, anh sẽ không thể giải đáp được sự việc bằng việc bám lấy nó. Anh có cơ hội hiểu nó nhiều hơn qua lần đọc thứ hai, nhưng điều đó đòi hỏi anh phải đọc cuốn sách một mạch trong lần đầu.

Đây là phương pháp thực tiễn nhất mà tôi biết để bẻ gãy vỏ bọc của một cuốn sách, để có được cảm tưởng khái quát về nó, và chấp nhận cấu trúc của nó một cách nhanh chóng và dễ dàng như có thể. Anh càng lần lữa trong việc tìm hiểu nghĩa tổng thể của một cuốn sách, anh càng lâu hiểu nó. Đơn giản là anh phải hiểu biết tổng thể trước khi anh có thể xem xét những phần trong phối cảnh thực của chúng – hoặc trong bất kỳ phối cảnh nào.

Giá trị của Shakespeare bị phá hỏng vì bao thế hệ học sinh trung học bị buộc phải nghiên cứu kỹ Julius Caesar, Hamlet, hoặc Macbeth từng cảnh một, tra cứu tất cả những từ quá mới mẻ đối với họ, và học tất cả những chú thích quá chuyên môn.

Kết quả là họ không hề thực sự đọc vở kịch. Thay vào đó họ bị kéo lê qua nó, từng chút một, qua nhiều tuần lễ. Đến khi họ tới phần cuối vở kịch, chắc chắn họ đã quên mất phần đầu. Lẽ ra người ta nên khích lệ họ đọc vở kịch một mạch. Chỉ có như thế họ mới hiểu chút ít về nó và khiến họ có thể hiểu nó nhiều hơn.

Những gì anh hiểu khi đọc một mạch cuốn sách từ đầu đến cuối – thậm chí nếu chỉ năm mươi phần trăm hay ít hơn – sau đó sẽ giúp anh có thêm nỗ lực trở lại những nơi anh đã qua trong lần đọc ban đầu. Thực ra anh sẽ đi giống như bất kỳ người lữ hành nào trên những đoạn chưa biết. Đã từng đi qua địa thế đó một lần, anh sẽ có thể khám phá nó lại từ những lợi thế mà trước đó có thể anh chưa biết. Anh sẽ ít có khả năng nhầm những con đường phụ với con đường chính. Anh sẽ không bị những bóng mát lúc giữa trưa đánh lừa, bởi anh sẽ nhớ lại chúng ra sao lúc mặt trời lặn. Và bản đồ trong tâm trí mà anh đã lập ra sẽ chỉ tốt hơn những thung lũng và núi đồi là tất cả bộ phận của một phong cảnh như thế nào.

Không hề có phép thần thông nào về việc đọc nhanh lần đầu. Nó không thể đạt được kết quả tốt và chắc chắn không thể được coi như một cách thay thế cho việc đọc cẩn thận đáng dành cho một cuốn sách hay. Nhưng việc đọc nhanh lần đầu làm cho việc nghiên cứu cẩn thận dễ dàng hơn nhiều.

Thực tiễn này giúp anh giữ được sự nhạy bén trong khi lao vào một cuốn sách. Đã bao lần anh mơ mộng theo cách của anh qua hết trang này đến trang khác để khi tỉnh dậy trong đầu anh không có một ý tưởng nào về nơi anh đã qua? Điều đó có thể xảy ra nếu như anh để mình tự trôi một cách thụ động suốt cuốn sách. Chưa ai từng hiểu được gì nhiều theo cách ấy. Anh phải có một cách nắm bắt mạch chung.

Người đọc tốt luôn tích cực trong mọi nỗ lực để hiểu. Bất kỳ cuốn sách nào cũng là một vấn đề, một điều bí ẩn. Thái độ của người đọc phải là thái độ của một thám tử tìm kiếm những manh mối đi vào những ý tưởng cơ bản và nhạy bén với tất cả những gì làm cho chúng rõ ràng hơn. Nguyên tắc về việc đọc nhanh lần đầu giúp duy trì thái độ này. Nếu bạn theo cách đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiết kiệm được bao nhiêu là thời gian, bạn sẽ hiểu thấu đáo hơn biết bao nhiêu, và nó sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu.

Kỹ năng đọc sách

Đọc sách nghe ra tưởng chừng đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Chúng ta sẽ cùng tìm cách để đọc sách hiệu quả với sự hứng thú và lôi cuốn nhé!

Tạo cho mình một thói quen thích đọc

Để có được thói quen này thì bạn phải thật sự là người ham thích học hỏi và khám phá. Bởi vì, bạn biết mình được gì khi ôm khư khư cuốn sách trên tay để đọc nó cho hết.

Đọc sách gì?

Đó là những sách cần thiết cho bạn. Bạn say mê lĩnh vực nào thì bạn sẽ tìm hiểu các loại sách đó. Sách cũng có rất nhiều loại và mỗi loại có một đặc trưng khác nhau. Do đó, chúng ta phải lựa chọn những cuốn sách vừa hay vừa phù hợp với công việc học tập hay làm việc của mình để khi đọc xong chúng ta sẽ lĩnh hội được nội dung mà nó truyền tải.

Đọc như thế nào?

Điều này thì cần phải chú ý nhiều hơn. Mỗi chúng ta có những sở thích và cách làm việc khác nhau, vì vậy cách đọc sách cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chung nào đó cho các bạn, chẳng hạn:

- Cầm một cuốn sách thì hãy đọc lướt qua về nội dung của nó xem nó viết gì và đoạn nào là trọng tâm hơn cả. Bạn hãy coi phần mục lục để thấy được toàn bộ kết cấu cũng như bố cục của cuốn sách. Thông qua các tiêu đề chúng ta sẽ nắm được sơ lược về toàn bộ cuốn sách. Ở mỗi đoạn thường đặt câu chủ đề, bạn cũng đọc nhanh ở phần đó để hiểu ý của các đoạn. Cuối mỗi chương thường có những tiểu kết nhỏ về nội dung của chương, bài hay mục. Đọc phần này coi như bạn đã hiểu được phần đó có nội dung là gì, rất nhanh mà lại không bị nhàm chán khi ngồi đọc từ đầu tới cuối.

- Khi đọc sách, các bạn nên tạo cho mình thói quen đánh dấu những phần “khác thường” như in nghiêng, in đậm hay những từ ngữ “đắt giá” của cuốn sách. Bởi vì, ở những điểm nhấn đó nội dung thường đặc sắc và thú vị rất nhiều.

- Các bạn hãy cố gắng tập trung khi đọc sách nhé. Làm bất kỳ điều gì cũng vậy chứ không riêng gì việc đọc sách. Chỉ khi chúng ta tập trung vào việc mình đang làm thì hiệu quả nó sẽ cao hơn và chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian hơn. Và như thế bạn sẽ không phải đọc lại nhiều lần trên cùng một cuốn sách.

- Hãy hiểu nội dung mà cuốn sách truyền tải. Đọc sách là để tìm kiếm thông tin và ý nghĩa của những điều mà mình quan tâm. Do vậy, bạn cố gắng hiểu ý nghĩa, nội dung trong từng câu chữ và có thể đặt các câu hỏi rồi tự mình trả lời. Nếu làm như vậy bạn sẽ thấy thú vị lắm đấy.

- Khi đọc sách cũng nên có sự biến đổi. Có đoạn chỉ cần đọc lướt qua cũng có thể hiểu nội dung của nó nhưng cũng có đoạn phải nghiền ngẫm suy nghĩ thì mới thấy được “cái hồn” và những đều ý nghĩa nhất.

Nên nhận xét sau khi đọc

- Bạn phải đánh giá mức độ hay dở của cuốn sách mình vừa đọc. Nội dung của nó thế nào, có gì mới mẻ không? Văn phong có gì đáng lưu ý… với cách làm này bạn sẽ học hỏi được rất nhiều về kỹ năng đọc sách.

- Mỗi cuốn sách hay đều có nội dung hấp dẫn. Vì thế, bạn có thể ghi lại nội dung của nó vào một cuốn sổ tay để khi cần thiết bạn chỉ cần coi lại mấy dòng tóm lược đó.

- Vốn từ vựng của bạn sẽ ngày càng giàu hơn khi các bạn tiếp cận nhiều hơn với sách vở, báo chí. Với những kỹ năng đọc như thế này, hy vọng chúng ta sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn khi đọc sách.

Chúng ta không nên đếm xem mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách mà hãy chú ý vào việc mỗi cuốn sách mình đã thu về những gì. Đó là một số điều về kỹ năng đọc, trong thời buổi mà thông tin mạng bùng nổ cũng như sách báo luôn có sẵn. Nếu bạn có một phương pháp đọc hiệu quả, một kỹ năng thu lượm và tìm kiếm thông tin thì tin rằng bạn sẽ nhận được nhiều kiến thức bổ ích.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international voip calls